Thuật ngữ pháp lý
Đang xem kết quả 1 đến 20 trong tổng số 279 thuật ngữ
SA THẢI
Hình thức kỷ luật lao động dẫn đến quan hệ lao động của người lao động bị chấm dứt, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức kỷ luật này khi người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động, có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp, người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm việc khác mà tái phạm hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; tự ý bỏ việc năm ngày dồn trong một tháng hoặc 20 ngày dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng. Hậu quả của việc sa thải là người lao động bị mất việc làm và có thể bị tước một số quyền lợi (như trợ cấp thôi việc).
Trước khi có Bộ luật lao động năm 1994, sa thải được gọi là buộc thôi việc áp dụng chung cho công nhân, viên chức nhà nước. Hiện nay, buộc thôi việc là một trong các hình thức kỷ luật công chức còn sa thải là hình thức kỷ luật tương tự áp dụng đối với các lao động hợp đồng.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải được quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 do Quốc hội khóa 12 ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2012.
SẮC LỆNH
Văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản pháp luật cá biệt của người đứng đầu bộ máy nhà nước hoặc bộ máy hành pháp.
Sắc lệnh xuất hiện trong Nhà nước La Mã cổ đại. Đầu tiên, sắc lệnh là tên gọi của văn bản của một cơ quan hợp nghị, sau đó được dùng để gọi văn bản của Hoàng đế. Trong thời kỳ Cách mạng tư sản ở Pháp, Sắc lệnh do Tổng thống và Thủ tướng Pháp ban hành, sắc lệnh của Tổng thống có hiệu lực sau khi được Thủ tướng tiếp ký. Sắc lệnh còn là văn bản được ban hành bởi tổng thống của một số nước châu Phi có chế độ nhà nước giống như Cộng hòa Pháp, ở một số nước theo hệ thống luật Anh - Mỹ, một số loại quyết định của Tòa án cũng được gọi là sắc lệnh.
Trong nhà nước Xô Viết trước đây, trước khi có Hiến pháp năm 1924, một số văn bản pháp luật quan trọng được ban hành dưới hình thức sắc lệnh, các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô Viết được thông qua tại Hội nghị Xô Viết toàn Nga lần thứ II vào ngày 26.10.1917 như sắc lệnh về hòa bình, sắc lệnh về đất đai, sắc lệnh về chế độ kiểm tra của công nhân. Sau khi Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết được thành lập, các cơ quan ban hành sắc lệnh là Ủy ban chấp hành trung ương, đoàn Chủ tịch Ủy ban chấp hành trung ương và Hội đồng dân Ủy. Theo Hiến pháp năm 1936, sắc lệnh là hình thức văn bản quy phạm pháp luật của đoàn Xô Viết tối cao của các nước cộng hòa thuộc Liên bang. Hình thức văn bản sắc lệnh không được quy định sau đó trong Hiến pháp năm 1977 của Liên Xô.
Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 1946, sắc lệnh là văn bản do Chủ tịch nước ban hành (Sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan chính phủ) hoặc do Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành. Sắc lệnh của Chính phủ phải có chữ ký của Chủ tịch nước và phải được một hay một số bộ trưởng tiếp ký.
SẮC LỆNH SỐ 13 NGÀY 24.01.1946 VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC TÒA ÁN VÀ NGẠCH THẨM PHÁN
Sắc lệnh quy định về cách tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành ngày 24.01.1946.
Đây là sắc lệnh đầu tiên của chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, quy định một cách khá đầy đủ việc giải quyết các tranh chấp, xử phạt các vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các Tòa án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch thẩm phán, sắc lệnh số 13 đã góp phần tạo cơ sở cho việc xây dựng hệ thống tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tạo chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý trong đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương, phép nước trong những ngày đầu Việt Nam giành được độc lập.
Sắc lệnh số 13 gồm hai chương với 114 Điều. Chương thứ nhất quy định việc tổ chức các Tòa án, gồm 5 tiết. Tiết thứ nhất quy định về ban tư pháp xã gồm 5 điều (từ Điều thứ hai đến Điều thứ 6), trong đó quy định các vấn đề về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban tư pháp xã và phân công nhiệm vụ của các thành viên ban tư pháp.... Tiết thứ nhì quy định về Tòa án sơ cấp (ở các quận) gồm 5 điều (từ Điều thứ 7 đến Điều thứ 11), trong đó quy định cơ cấu tổ chức và việc xét xử của Tòa án sơ cấp... Tiết thứ ba quy định về Tòa án đệ nhị cấp (ở các tỉnh), gồm 3 mục. Mục A quy định về cách tổ chức Tòa án đệ nhị cấp gồm 5 điều (từ Điều thứ 12 đến Điều thứ 16), trong đó quy định các vấn đề về cơ cấu tổ chức và việc xét xử của Tòa đệ nhị cấp. Mục B quy định về xử việc tiểu hình gồm 11 điều (từ Điều 17 đến Điều 27), trong đó quy định chức năng, quyền hạn của thẩm phán, phụ thẩm và chánh án trong việc xét xử các vụ án về dân sự và thương sự và các vụ án trong các lĩnh vực khác... Mục C quy định về xử việc đại hình, gồm 7 điều (từ Điều thứ 28 đến Điều thứ 34), trong đó quy định cơ cấu tổ chức các thành viên khi xử các việc đại hình của Tòa đệ nhị cấp; các thủ tục tố tụng khi xét xử... Tiết thứ tư của Chương này quy định về Tòa thượng thẩm, gồm hai mục. Mục A quy định về tổ chức Tòa Thượng thẩm gồm 3 điều (từ Điều thứ 35 đến Điều thứ 37), trong đó quy định địa điểm đặt Tòa Thượng thẩm, cơ cấu tổ chức Tòa thượng thẩm và cơ cấu thành viên khi xét xử tại phiên Tòa. Mục B quy định về việc xử các việc hình, gồm 7 điều (từ Điều thứ 38 đến Điều thứ 44), trong đó quy định cơ cấu các thành viên khi phúc lại án tiểu hình và đại hình, danh sách các phụ thẩm nhân dân tại Tòa thượng thẩm, các thủ tục tố tụng tại phiên Tòa thượng thẩm... Tiết thứ năm - Điều khoản chung, gồm 3 điều (từ Điều thứ 45 đến Điều thứ 47), trong đó quy định các vấn đề về quyền biện hộ của các luật sư trước Tòa, Tòa án tư pháp sẽ độc lập đối với cơ quan hành chính...
Chương thứ hai quy định về tổ chức các ngạch Thẩm phán gồm 7 tiết. Tiết thứ nhất quy định về ngạch thẩm phán gồm hai mục. Mục A quy định về các ngạch thẩm phán gồm 4 điều (từ Điều 48 đến Điều 51), trong đó quy định các ngạch, chức vị thẩm phán sơ cấp và đệ nhị cấp, nguyên tắc xét xử của thẩm phán... Mục B quy định các phẩm trật trong ngạch thẩm phán (Điều thứ 52), gồm hai vấn đề chính là: ngạch thẩm phán đệ nhị cấp và ngạch thẩm phán sơ cấp. Tiết thứ nhì quy định về tuyển bổ các thẩm phán, gồm 3 mục. Mục A quy định về cách tuyển bổ về sau này gồm 5 điều (từ Điều thứ 53 đến Điều thứ 57), trong đó quy định các tiêu chuẩn vào ngạch thẩm phán. Mục B quy định về cách tuyển bổ tạm thời gồm 7 điều (từ Điều thứ 58 đến Điều thứ 64), quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển bổ tạm thời các thẩm phán sơ cấp, việc bổ dụng thẩm phán đệ nhị cấp... Mục C quy định về bất năng kiêm nhiệm, gồm 4 điều (từ Điều thứ 65 đến Điều thứ 68), quy định các điều cấm đối với thẩm phán nhằm đảm bảo tính vô tư, khách quan trong hoạt động của Tòa án. Tiết thứ ba quy định về đặc quyền các thẩm phán gồm 3 mục. Mục A quy định về việc thăng chức, gồm 6 điều (từ Điều 69 đến Điều 74). Mục B quy định về đặc quyền tài phán, gồm 4 điều (từ Điều 75 đến Điều 78). Mục C quy định về lương bổng (Điều thứ 79). Tiết thứ tư quy định về nghĩa vụ các thẩm phán gồm 3 mục. Mục A - Nghĩa vụ về chức nghiệp, gồm 5 điều (từ Điều thứ 80 đến Điều thứ 85), trong đó đề cập đến việc thẩm phán không được từ chối xét xử, thẩm phán xét xử phải thanh liêm, công minh, nhanh chóng... Mục B, quy định về nghĩa vụ về cơ sở và nghỉ phép, gồm 4 điều (từ Điều 86 đến Điều 89). Mục C, quy định về tuyên thệ, gồm 5 Điều (từ Điều 90 đến Điều 94). Tiết thứ năm quy định về kỷ luật đối với thẩm phán gồm 9 Điều (từ Điều thứ 95 đến Điều thứ 104), trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm kiểm soát, cảnh cáo của chánh án và biện lý trong Tòa đệ nhị cấp đối với thẩm phán sơ cấp khi họ phạm lỗi; quyền hạn của Bộ trưởng Bộ tư pháp đối với việc giám sát tất cả các thẩm phán; trình tự xử lý, thẩm quyền xử lý khi thẩm phán phạm lỗi... Tiết thứ sáu quy định về tạm quyền, đổi chức vị, y phục, gồm 3 mục. Mục A quy định về tạm quyền, gồm 4 điều (Điều thứ 105 đến Điều thứ 108). Mục B quy định về đổi chức vị (Điều thứ 109). Mục C quy định về y phục (Điều 110). Tiết thứ bảy quy định về tổng lệ, gồm 4 điều (từ Điều 111 đến Điều 114), trong đó có quy định các khoản luật lệ trái với Sắc lệnh đều bãi bỏ; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc thi hành sắc lệnh.
SẮC LỆNH SỐ 185 NGÀY 26.5.1948 VỀ VIỆC ẤN ĐỊNH THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN SƠ CẤP VÀ ĐỆ NHỊ CẤP
Sắc lệnh quy định các vấn đề về thẩm quyền của Tòa án sơ cấp, các trường hợp Tòa án sơ cấp mất liên lạc với Tòa đệ nhị cấp và thẩm quyền của Tòa án đệ nhị cấp được Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ban hành ngày 26.5.1948.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến, những văn bản pháp luật về Tòa án trước đây cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh thời chiến, sắc lệnh 185/SL được ban hành là nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Sắc lệnh gồm có 3 tiết với 13 Điều.
Tiết thứ nhất gồm 2 Điều (Điều thứ hai và Điều thứ ba) quy định về thẩm quyền tòa án sơ cấp. Theo đó về hình sự, Tòa án sơ cấp có thẩm quyền xử chung thẩm những án vi cảnh phạt bạc từ 5 đồng đến 30 đồng; những việc đòi bồi thường từ 300 đồng trở xuống, sơ thẩm những án vi cảnh phạt giam từ 1 đến 5 ngày, những việc đòi bồi thường quá 300 đồng mà nguyên đơn thỉnh cầu trong đơn khiếu nại hay ở phiên Tòa. Về dân sự và thương sự, Tòa án sơ cấp có thể xử chung thẩm những vụ kiện về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định không quá 300 đồng; những vụ kiện về các khoản lệ phí đã phát định ra trước Tòa án ấy, không cứ ngạch nào, xử sơ thẩm những vụ kiện về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 300 đồng nhưng không quá 1500 đồng...
Tiết thứ nhì gồm 6 điều (từ Điều 4 đến Điều 9) quy định về trường hợp Tòa án sơ cấp mất liên lạc với Tòa án đệ nhị cấp. Theo các quy định này, trong trường hợp Tòa án sơ cấp mất liên lạc với Tòa đệ nhị cấp thì Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện và thẩm phán sơ cấp sẽ ra quyết định nhận định tình thế ấy và báo cáo ngay lên tỉnh để Ủy ban kháng chiến tỉnh và biện lý Tòa án đệ nhị chuẩn y.
Tiết thứ ba gồm 4 điều (từ Điều thứ mười đến Điều thứ mười ba) quy định về thẩm quyền của Tòa đệ nhị cấp, trong đó đề cập đến thẩm quyền của Tòa đệ nhị cấp trong việc xét xử các vụ án về hình sự ở cấp chung thẩm và sơ thẩm cũng như chung thẩm, sơ thẩm các vụ án dân sự và thương sự. Ví dụ: về chung thẩm, Tòa đệ nhị cấp có quyền xử về hình sự những án vi cảnh của Tòa án sơ cấp bị kháng cáo; những án xử bồi thường của Tòa án sơ cấp bị kháng cáo. Về sơ thẩm, Tòa đệ nhị cấp có thể xử những vụ tiểu hình hay đại hình. Trong lĩnh vực dân sự và thương sự Tòa đệ nhị cấp có quyền xử chung thẩm những án của Tòa án sơ cấp bị kháng cáo; những vụ kiện bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố hay theo văn tự không quá 300 đồng; có quyền xử sơ thẩm những vụ kiện về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 1500 đồng...
SẮC LỆNH SỐ 33C NGÀY 13.09.1945 VỀ VIỆC THIẾT LẬP CÁC TÒA ÁN QUÂN SỰ
Sắc lệnh quy định việc thiết lập các Tòa án quân sự nhằm trừng trị các hành vi xâm hại tới nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bảo vệ chính quyền cách mạng mới được thành lập do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ban hành ngày 13.09.1945.
Sắc lệnh gồm 7 điều. Điều 1 quy định về việc lập Tòa án quân sự ở Bắc Bộ đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung Bộ đặt tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam Bộ đặt tại Sài Gòn, Mỹ Tho. Ngoài ra, theo Điều luật này Ủy ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt, có thể đề đạt lên Chính phủ xin mở thêm Tòa án quân sự ở những nơi trọng yếu khác. Điều 2 quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của sắc lệnh. Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của quyết nghị của Tòa án quân sự và những vấn đề có liên quan đến việc thi hành bản án. Điều 4 quy định về các hình thức thi hành bản án như: tha bổng, tịch thu một phần hay tất cả tài sản, phạt tù từ một năm đến mười năm, xử tử... và những vấn đề có liên quan. Điều 5 quy định về cơ cấu thành viên của Tòa án quân sự (chánh án và hội thẩm), về thủ tục tố tụng tại phiên Tòa. Điều 6 quy định hình thức xét xử của phiên Tòa. Điều 7 quy định về việc thành lập các Tòa án quân sự lưu động do Ủy ban nhân dân địa phương thành lập.
Sắc lệnh thành lập các Tòa án quân sự là một trong những sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các Tòa án quân sự của chính quyền dân chủ nhân dân. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta nhằm kiên quyết đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, giữ vững an ninh, trật tự cho nhân dân. ở thời điểm đó, Tòa án quân sự là cơ quan xét xử duy nhất, trừng trị những phần tử phản cách mạng ngoan cố chống lại chính quyền của nhân dân, đồng thời giáo dục răn đe những người có hành vi vi phạm pháp luật bảo đảm cho chủ trương, quy định của Chính phủ đã ban hành phải được thực hiện nghiêm chỉnh.
SẮC LỆNH SỐ 51 NGÀY 17.4.1946 VỀ VIỆC ẤN ĐỊNH THẨM QUYỀN CÁC TÒA ÁN VÀ sự PHÂN CÔNG GIỮA CÁC NHÂN VIÊN TRONG TÒA ÁN
Sắc lệnh xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đối với mọi công dân và người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và quy định sự phân công thẩm quyền các Tòa án và các nhân viên trong các Tòa án do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ban hành ngày 17.4.1946.
Sắc lệnh thể chế hóa tinh thần sắc lệnh số 13 ngày 24.01.1946 về tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán. Có thể nói sắc lệnh này là một trong những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập hệ thống tư pháp của nước Việt Nam dân chủ chủ cộng hòa sau khi giành được độc lập. Sắc lệnh là cơ sở pháp lý ổn định thống nhất trong phạm vi toàn quốc để ngành Tòa án có thể xét xử các vụ án trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, thương sự ở các cấp độ, mức độ vi phạm cũng như ở những tính chất và đối tượng khác nhau, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp tổ chức, công dân; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội.
Sắc lệnh gồm 3 chương với 46 điều. Điều thứ 1 và Điều thứ 2 quy định phạm vi điều chỉnh của Sắc lệnh theo đó “trong toàn cõi Việt Nam các Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với mọi người, bất cứ quốc tịch nào". Tiếp sau đó là Chương thứ nhất, quy định về thẩm quyền các Tòa án, gồm 4 tiết với 11 điều (từ Điều thứ 3 đến Điều thứ 13). Tiết thứ nhất quy định về ban tư pháp xã (Điều thứ 3 và Điều thứ 4), trong đó đề cập đến thẩm quyền, chức năng của ban tư pháp xã. Tiết thứ nhì quy định về Tòa án sơ cấp, gồm 5 điều (từ Điều thứ 5 đến Điều thứ 9), đề cập đến thẩm quyền xét xử trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, thương sự, kể cả thủ tục chung thẩm lẫn Sơ thẩm và những vấn đề khác có liên quan của Tòa án sơ cấp. Tiết thứ ba quy định về Tòa án đệ nhị cấp, gồm 3 điều (từ Điều thứ 10 đến Điều thứ 12), đề cập đến thẩm quyền xét xử sơ thẩm và chung thẩm của Tòa án đệ nhị cấp cũng như các vấn đề khác có liên quan trong các lĩnh vực xét xử hình sự, dân sự, thương sự. Tiết thứ tư quy định về Tòa thượng thẩm (Điều thứ 13), đề cập đến thẩm quyền xét xử của Tòa thượng thẩm như xét xử những việc kháng cáo án sơ thẩm của các Tòa đệ nhị cấp...
Chương thứ nhì gồm gồm 4 tiết, 28 điều, quy định việc phân công giữa các nhân viên trong Tòa án. Tiết thứ nhất (Điều thứ 14) đề cập tới việc phân công trong ban tư pháp xã và nhiệm vụ tư pháp cảnh sát của ban này. Tiết thứ hai (Điều thứ 15, Điều thứ 16) quy định về nhiệm vụ thẩm quyền của thẩm phán sơ cấp như thi hành các mệnh lệnh của biện lý và các Tòa án khác Ủy thác cho, nhiệm vụ điều tra về mặt hình... Tiết thứ ba (gồm 4 mục, 19 điều) quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các nhân viên trong Tòa án đệ nhị cấp. Trong đó Mục A quy định về nhiệm vụ của chánh án, gồm 2 điều (Điều thứ 17 và Điều thứ 18). Mục B quy định về nhiệm vụ của dự thẩm, gồm 2 Điều (Điều thứ 19 và Điều thứ 20). Mục C quy định về nhiệm vụ của biện lý, gồm 14 điều (từ Điều thứ 21 đến Điều thứ 35), trong đó ý 1) quy định các vấn đề về nhiệm vụ tư pháp cảnh sát (Điều thứ 21); ý 2) quy định về nhiệm vụ công tố, gồm 11 điều (Điều thứ 22 đến Điều thứ 32), bao gồm các vấn đề về thi hành quyền công tố trước Tòa án đệ nhị cấp, thể thức thi hành nhiệm vụ công tố của biện lý, quyền kháng cáo những mệnh lệnh của dự thẩm; nhiệm vụ đem tất cả các vật chứng cùng đòi các nhân chứng để Tòa án căn cứ đó xét xử; có quyền yêu cầu Tòa thi hành mọi phương cách để làm rõ sự thật... Mục D quy định nhiệm vụ của phó biện lý (Điều thứ 33), trong đó đề cập đến quyền điều khiển và kiểm soát của biện lý đối với các ông phó biện lý... Mục Đ quy định về cách phân công trong tòa án khi không có đủ thẩm phán (Điều thứ 34 và Điều thứ 35). Tiết thứ tư quy định về Tòa thượng thẩm, gồm hai mục và 6 Điều (từ Điều thứ 36 đến Điều thứ 41). Mục A quy định về nhiệm vụ của chánh nhất như cứ 6 tháng một lần có nhiệm vụ cắt đặt các hội thẩm vào các phòng trong Tòa thượng thẩm, có quyền ấn định ngày, tháng và giờ các phiên Tòa... Mục B quy định nhiệm vụ của chưởng lý, phó chưởng lý và tham lý, gồm 5 Điều (từ Điều thứ 37 đến Điều thứ 41) trong đó quy định các vấn đề như chưởng lý điều khiển, phân phát công việc cho các phó chưởng lý và tham lý; chưởng lý và các thẩm phán ở trong công tố viên có quyền phát ngôn ở những phiên Tòa hộ và hình Tòa thượng thẩm; về những việc hệ trọng và khó khăn, phó chưởng lý hay tham lý, sau khi đã xét phải trình chưởng lý bút lục và lời kết luận của mình về những việc đó; trong quản hạt tòa thượng thẩm của mình, chưởng lý phải trông nom việc thi hành các đạo luật, sắc lệnh và quy tắc hiện hành...
Chương thứ ba quy định về tổng tắc, gồm 5 điều (từ Điều thứ 42 đến Điều 46), trong đó đề cập đến các vấn đề về các nguyên tắc, thời hiệu và hiệu lực... của Sắc lệnh. Ví dụ: sắc lệnh quy định những luật lệ hiện hành vẫn giữ nguyên như cũ, trừ những điều khoản trái với sắc lệnh này cùng trái với chủ quyền và chính thể dân chủ cộng hòa của nước Việt Nam.
SẮC LỆNH SỐ 57 NGÀY 3.05.1946 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VIỆC TỔ CHỨC CÁC BỘ
Sắc lệnh quy định các vấn đề về cơ cấu tổ chức, hành chính, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các chế độ lương, phụ cấp, công tác phí và những vấn đề khác có liên quan trong các bộ, nha của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ban hành ngày 3.05.1946.
Sau khi giành được độc lập (tháng 9 năm 1945), nhằm củng cố và từng bước ổn định và thống nhất bộ máy hành chính còn non trẻ của chính quyền cách mạng, nâng cao hiệu quả, năng lực điều hành đất nước, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề do lịch sử đặt ra là vừa phải chống đế quốc Pháp xâm lược và tay sai, bảo vệ chính quyền non trẻ, vừa phải chống giặc đói, giặc dốt. Việc củng cố, thống nhất mô hình tổ chức của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là hết sức cần thiết và cấp bách. Với yêu cầu bức xúc đó, Sắc lệnh số 57 đã được ra đời.
Sắc lệnh gồm 5 mục và 17 điều. Điều 1 quy định “trong mỗi bộ của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng và Thứ trưởng có một văn phòng, các nhà và có thể có một cơ quan thanh tra và một ban cố vấn”. Mục I gồm 4 điều (từ Điều 2 đến Điều 5) quy định về văn phòng, chức năng của các nhân viên thuộc văn phòng bộ trưởng và văn phòng thứ trưởng, cơ cấu nhân sự cao cấp trong Văn phòng và các trường hợp ngoại lệ; vấn đề bổ nhiệm, chỉ định và thời hạn giữ chức vụ, từ chức, thuyên chuyển công việc của nhân viên văn phòng là tư nhân, công chức trong văn phòng thuộc các bộ; vấn đề phụ cấp, lương bổng của các nhân viên thuộc văn phòng bộ trưởng.
Mục II gồm 6 điều (từ Điều 6 đến Điều 11) quy định về các nha, cơ cấu nhân sự cao cấp trong các bộ để giúp bộ trưởng điều khiển công việc hành chính và chuyên môn; tiêu chí lựa chọn các chức vụ đối với các nhân viên cao cấp văn phòng bộ trưởng, các đồng lý sự vụ và phó đồng lý sự vụ, cũng như các vấn đề về thời hạn phục vụ của các nhân viên này khi thay đổi bộ trưởng; chế độ lương bổng của các nhân viên này. Ngoài ra, mục này còn quy định các vấn đề về quyền hạn, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các nha như; các nha sẽ do giám đốc nha quản trị, giám đốc sẽ do sắc lệnh chỉ định theo đề nghị của bộ trưởng, sắc lệnh sẽ do Chính phủ thông qua. Trong các nha quan trọng, có thể đặt ra một chức phó giám đốc, phó giám đốc sẽ do được bổ nhiệm bằng một nghị định.
Mục III gồm 2 Điều (Điều 12 và Điều 13) quy định về cơ quan thanh tra, việc thành lập nha thanh tra và cơ cấu thành viên; cách thức bổ nhiệm tổng thanh tra và các thanh tra; nhiệm vụ của nha thanh tra.
Mục IV gồm 1 điều (Điều 14) quy định về lập ban cố vấn để giúp ý kiến bộ trưởng về các vấn đề chuyên môn.
Mục V gồm 2 điều (Điều 15 và Điều 16) quy định về phụ cấp di chuyển nhân viên văn phòng, thanh tra, giám đốc các nha và cố vấn khi đi kinh lý hay đi công cán ngoài thủ đô.
SẮC LỆNH SỐ 85 NGÀY 22.5.1950 VỀ CẢI CÁCH BỘ MÁY TƯ PHÁP VÀ LUẬT TỐ TỤNG
Sắc lệnh quy định các biện pháp cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng đáp ứng những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới được Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ban hành ngày 22.5.1950.
Cải cách tư pháp và luật tố tụng để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới của cách mạng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân là một trong những yêu cầu và đòi hỏi bức xúc mà lịch sử đặt ra đối với Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trước đây, khi mới giành được độc lập, do Nhà nước và nhân dân đang tập trung nhân tài, vật lực để phục vụ cho cuộc kháng chiến kiến quốc. Lúc này chúng ta đang phải đối mặt với những nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp, nên về hình thức, Nhà nước ta vẫn phải tiếp thu và kế thừa những quy tắc và nguyên tắc cơ bản của bộ máy tư pháp và luật tố tụng của chế độ cũ để áp dụng trong hoạt động tư pháp và hoạt động tố tụng. Có thể nói đây là sự vận dụng sáng tạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tư pháp và tố tụng. Sự vận dụng linh hoạt và sáng suốt này trong thời kỳ quá độ khi chúng ta chưa thiết lập được một nền tư pháp ổn định và pháp luật về tố tụng thống nhất đã giải quyết được không ít nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra đối với việc giữ gìn trật tự xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể kế thừa mãi những nguyên tắc và thủ tục tố tụng, cũng như những quan niệm về hệ thống tư pháp đã lỗi thời đó trong chính quyền dân chủ nhân dân, khi mà về chất các hoạt động tư pháp và tố tụng cũng như yêu cầu của công cuộc cách mạng đã hoàn toàn thay đổi. Thế và lực cũng như những điều kiện khác lúc này đã có thể cho phép Nhà nước từng bước thiết lập nền tư pháp và quan hệ tố tụng theo cách riêng của mình, phù hợp với mô hình và cách thức quản lý nhà nước dân chủ nhân dân, đặt nền tảng cho việc xây dựng một hệ thống tư pháp và luật tố tụng vững chắc, bảo đảm hoàn thành mọi sứ mạng do lịch sử đặt ra và phục vụ nhân dân, của dân, do dân, vì dân.
Xuất phát từ yêu cầu đó, sắc lệnh số 85/SL đã ra đời. Sắc lệnh gồm 4 chương và 20 điều.
Chương I gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về tổ chức. Theo các quy định này, Tòa án sơ cấp được đổi tên thành Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp được đổi tên thành Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án được đổi tên thành Tòa phúc thẩm, phụ thẩm nhân dân được đổi tên thành hội thẩm nhân dân. Cơ cấu Hội đồng xét xử khi xử việc hình, việc hộ của Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân, Tòa phúc thẩm gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Chương I cũng quy định các vấn đề về quyền hạn, chế độ lương bổng, phụ cấp và nhiệm kỳ làm việc cũng như chế độ bầu cử và cơ cấu của hội thẩm nhân dân từ cấp xã đến cấp liên khu...
Chương II gồm có 2 điều (Điều 7 và Điều 8) quy định về ban tư pháp xã. Theo các quy định này, ban tư pháp xã có quyền xử chung thẩm và sơ thẩm đối với một số hành vi vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân.
Chương III gồm 6 điều (từ Điều 9 đến Điều 14) quy định về tòa án nhân dân huyện, đề cập các vấn đề về việc hòa giải các vụ kiện về dân sự, thương sự, các thủ tục liên quan đến chức năng, thẩm quyền, thủ tục hòa giải; thẩm quyền xử chung thẩm của Tòa án huyện với những vụ sơ thẩm của ban tư pháp xã bị kháng cáo...
Chương IV gồm 6 điều (từ Điều 15 đến Điều 20) quy định về tố tụng.
Có thể nói, so với các văn bản pháp luật trước đây, Sắc lệnh số 85 đã có những quy định mới mẻ về thủ tục tố tụng nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ, công bằng trong xét xử, bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân. Cụ thể, sắc lệnh quy định quyền kháng cáo về việc hộ cũng như việc hình của công tố viên, việc Tòa án có thể xem xét lại thủ tục tố tụng trong các vụ án về hình hoặc hộ có hại cho việc thẩm cứu hoặc quyền lợi của đương sự; việc xem xét tính khách quan cũng như những chế tài của Tòa án đối với việc kháng cáo đối với bị đơn và nguyên đơn...
SẮC LUẬT
Văn bản của Ban Thường vụ - cơ quan của Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp năm 1946. Dự án Sắc luật do Chính phủ đề nghị để Ban Thường vụ biểu quyết thông qua trong những trường hợp đặc biệt khi Nghị viện không họp và phải được trình để Nghị viện phê chuẩn tại phiên họp gần nhất của Nghị viện.
Ở Cộng hòa Pháp, là văn bản do Chính phủ ban hành theo Ủy quyền lập pháp của Quốc hội về những vấn đề thuộc nội dung quy định của luật và giá trị như đạo luật. Trong nền Cộng hòa thứ III và thứ IV của Pháp, Chính phủ được ban hành một số lượng lớn sắc luật để thực hiện những cải cách cần thiết.
SẮC THUẾ
Loại thuế - khoản tiền hoặc hiện vật bắt buộc phải nộp cho Nhà nước khi tiến hành sản xuất, kinh doanh hay một khoản thu của Nhà nước mang tính nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân, mọi tổ chức.
Nhà nước đặt ra các loại hình thuế khác nhau thành một hệ thống thống nhất. Mỗi loại hình thuế - thứ thuế - có vai trò, tác dụng, chức năng xã hội khác nhau.
Hệ thống thuế với các sắc thuế cần thiết phải bao quát được các ngành, các khu vực, các thành phần kinh tế, các nguồn thu cần thiết và có thể nuôi bồi dưỡng, khai thác thêm nguồn thu, giải đáp các yêu cầu động viên đối với mọi loại hình, mọi hoạt động kinh doanh (thuế doanh thu), các sản phẩm hàng hóa (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt), các loại lợi tức, thu nhập cao (thuế lợi tức, thuế thu nhập)... Một số sắc thuế mang tính chất phí, lệ phí như thuế môn bài, thuế sát sinh, thuế trước bạ... Mỗi sắc thuế có chức năng, tác dụng, đối tượng chịu thuế riêng đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với những sắc thuế khác, không đối lập nhau mà hỗ trợ cho nhau để bảo đảm hoàn thành các chức năng chung của cả hệ thống. Hệ thống thuế phù hợp không thể chỉ nhìn vào số lượng sắc thuế nhiều hay ít mà phải nhìn đến các mục chi tiêu tài chính, kinh tế, xã hội, về biện pháp quản lý thu có phù hợp với đòi hỏi, nguyện vọng và trình độ, khả năng đóng góp của quần chúng nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu hợp lý của ngân sách nhà nước, góp phần giảm bội chi, giảm lạm phát cho nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, nếu hệ thống thuế chỉ có một vài sắc thuế, yêu cầu động viên của ngân sách nhà nước dồn vào vài đối tượng chịu thuế, sẽ gây nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện (Xt. Thuế).
SÂN BAY
là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển. Sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư mà không phải vận chuyển công cộng là sân bay chuyên dùng.
(Theo khoản 2 Điều 47 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006)
SÂN BAY
Là khu vực xác định được xây dựng để đảm bảo cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển, bao gồm:
- sân bay đang sử dụng;
- sân bay dự kiến xây dựng trong quy hoạch, được xác định trong hệ thống sân bay toàn quốc;
- bãi cất hạ cánh là khu vực được xác định dùng cho trực thăng cất hạ cánh;
- đường sân bay là đoạn đường giao thông lưỡng dụng (đường lưỡng dụng), được xác định có thể dùng cho tàu bay cất, hạ cánh khi cần thiết;
- dải cất hạ cánh mặt nước là khu vực mặt nước trên biển, sông, hồ được xác định dùng cho thủy phi cơ cất, hạ cánh.
(Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 32/2016/NĐ-CP quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam)
SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Là sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.
(Theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định 32/2016/NĐ-CP quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam)
SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho tàu bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.
(Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 42/2016/NĐ-CP quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng)
SÂN BAY DỰ BỊ
Là sân bay mà một tàu bay có thể đến, hạ cánh khi không thể hoặc không nên đến, hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh, bao gồm:
a) Sân bay dự bị cất cánh là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh khi cần thiết ngay sau khi cất cánh và không thể sử dụng sân bay cất cánh;
b) Sân bay dự bị trên đường bay là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh sau khi gặp tình huống khẩn nguy hoặc bất thường trong quá trình bay đường dài;
c) Sân bay dự bị hạ cánh là sân bay mà tàu bay có thể đến khi không thể hoặc không nên hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh.
(Theo Khoản 6 Điều 3 Nghị định 125/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay)
SAN CHIẾT, ĐÓNG GÓI HÓA CHẤT
Là việc sử dụng thiết bị, dụng cụ để san, chiết hóa chất từ dạng xá, dạng rời vào bao bì hoặc từ bao bì này sang bao bì khác mà không làm thay đổi bản chất, thành phần, hàm lượng, tính chất của hóa chất.
(Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất)
SÂN ĐỖ TÀU BAY
Là khu vực được xác định trong sân bay, trên mặt đất, mặt nước, trên các công trình nhân tạo dành cho tàu bay đỗ để phục vụ hành khách lên, xuống; xếp, dỡ hành lý, hàng hóa; tiếp nhiên liệu; phục vụ kỹ thuật hoặc làm công tác chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo.
(Theo Khoản 6 Điều 3 Nghị định 42/2016/NĐ-CP quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng)
GÓC NHÌN PHÁP LÝ
INFOGRAPHIC & VIDEO MỚI
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
- Số hiệu: 3042/VPCP-KGVX - Ngày ban hành: 17/05/2022
- Số hiệu: 665/CĐ-BYT - Ngày ban hành: 17/05/2022
- Số hiệu: 14/VBHN-BTNMT - Ngày ban hành: 16/05/2022
- Số hiệu: 1202/QĐ-BYT - Ngày ban hành: 16/05/2022
- Số hiệu: 1203/QĐ-BYT - Ngày ban hành: 16/05/2022